Sáng nay 19-5, đúng 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khai mạc hội thảo khoa học "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Quang cảnh hội thảo khoa học "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" - Ảnh: NAM TRẦN
Hội thảo nhằm giúp Đoàn nhìn lại định hướng, thực tiễn và đề ra những biện pháp nhằm thực hiện các nội dung theo Di chúc của Bác về công tác bồi dưỡng thanh niên. Qua đó phát huy trí tuệ, tinh thần, sức mạnh của thế hệ trẻ; tập trung các giải pháp tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân trong thanh niên.
Di chúc mãi là "ánh sáng soi đường"
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - khẳng định hội thảo phản ánh đúng, toàn diện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua hội thảo, đánh giá, nhìn nhận, đề xuất định hướng mới để Di chúc của Bác mãi là "ánh sáng soi đường" thực hiện nhiệm vụ độc lập dân tộc như Bác mong muốn.
Sinh thời Bác luôn quan tâm đến công tác cán bộ và đào tạo cán bộ, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng viện dẫn ngay trong ngày đầu mới thành lập Đảng, Bác mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng và viết tác phẩm đầu tiên, giáo trình đầu tiên là "Đường kách mệnh".
"Đối với Bác, cán bộ là việc hết sức quan trọng, Bác gọi là 'công việc gốc của Đảng', muôn sự thành công chủ yếu hoặc phần nhiều là do cán bộ tốt, cho nên đào tạo cán bộ là việc thường xuyên", ông Thắng nói.
Nhớ lại ngày 14-9-1949 khi Bác về dự khai giảng lớp cán bộ đào tạo, Bác nói học (việc đào tạo) là để làm việc, để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, mới đến phụng sự dân tộc, nhân loại.
"Trước hết học là phải làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ. Tư tưởng này vô cùng quan trọng, bởi đâu đó không ít người nghĩ học để làm cán bộ rồi mới làm việc, mới làm người. Điều này trái với tư tưởng, đạo đức của Bác", ông Thắng nhấn mạnh.
Bác cũng nhấn mạnh việc "có đức, có tài", cho nên trong Di chúc, Bác nhấn mạnh đào tạo cán bộ cách mạng cho đời sau là điều quan trọng, cần thiết, thể hiện hai phẩm chất lớn là "vừa hồng, vừa chuyên".
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, điều Bác đặn không phải là đạo đức thuần túy, không chỉ "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" mà phải nâng lên ở đạo đức cách mạng thể hiện ở lý tưởng, mục tiêu, bản lĩnh, sự xả thân vì sự nghiệp mà Bác Hồ và thế hệ cha ông phấn đấu không ngừng.
"Nếu không có chuyên thì làm thế nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được, nhưng 'đức', tức đạo đức cách mạng là điều đầu tiên. Tuy nhiên Bác cũng nói đây là quá trình kiên trì, lâu dài, Bác nói 'vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người'", ông Thắng nhấn mạnh.
"Ấn tượng lắm khi xem lại, đọc lại Di huấn của Bác. Đối với thanh niên bây giờ làm sao lan tỏa được tinh thần đó, thanh niên thấy được chân giá trị của tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Bác gần gũi, thân thiết dung dị, dễ nhớ, dễ làm, cái gì cũng phải rất thực tiễn", ông Thắng chia sẻ.
Hội thảo khoa học "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" - Ảnh: NAM TRẦN
Đảng luôn đặt niềm tin vào thanh niên
Nhìn lại 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Bùi Trường Giang - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - khẳng định trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, cho cách mạng, dân tộc ta, Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá có ý nghĩa lý luận sâu sắc, đề cập một cách toàn diện những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, chứa đựng những tổng kết thực tiễn và định hướng tương lai có tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ thiên tài.
Đó là sự kết tinh tư tưởng tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam suốt đời hi sinh vì tổ quốc, nhân loại.
Ông Bùi Trường Giang nói sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, người đặc biệt quan tâm, đào tạo thế hệ trẻ. Người đã cùng Trung ương Đảng bồi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cách mạng ưu tú trưởng thành từ thanh thiếu niên.
Trong Di chúc ngay sau phần nói về Đảng, Người đã nhắc đến việc đào tạo thế hệ thanh niên. Cũng theo ông Bùi Trường Giang, thực hiện di huấn của Người, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên trong các giai đoạn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và xây dựng tổ quốc hôm nay.
"Đảng luôn đặt niềm tin vào thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước" - ông Giang nhấn mạnh và cho biết thanh niên được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược bồi dưỡng con người. Chăm lo cho thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động tạo sự phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, Đảng đã chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức xứng đáng là cánh tay đắc lực, tin cậy của Đảng.
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, suốt 50 năm qua, lớp lớp thế hệ thanh niên luôn là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng. Nhiều phong trào thanh niên đã được tạo ra như xung kích phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tổ quốc, tuổi trẻ sáng tạo. Thực hiện di chúc của Người, thế hệ trẻ Việt Nam đã vượt qua mọi thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
HÀ THANH - BẢO NGỌC (Nguồn: tuoitre.vn - TTO)