XÂY DỰNG ĐOÀN VỮNG MẠNH VỀ TỔ CHỨC!

Văn bản chỉ đạo

  • Số/ Ký hiệu: 20-HD/TWĐTN-BTC

    Lượt xem: 1860. Ngày ban hành: 11/07/2023


    Trích yếu: Hướng dẫn thực hiện Điểu lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoá XII

    Tải văn bản: 2.pdf [1.49 KB]
  • Số/ Ký hiệu: TWĐTN

    Lượt xem: 1249. Ngày ban hành: 11/07/2023


    Trích yếu: Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoá XII (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông qua ngày 15/12/2022)

    Tải văn bản: 1.docx [34.9 bytes]
  • Số/ Ký hiệu: 07-TT/HĐTN

    Lượt xem: 1530. Ngày ban hành: 04/11/2022


    Trích yếu: Thông tri triệu tập hội nghị giao ban đánh giá, xếp loại thi đua năm 2022

    Tải văn bản: 07-tthdtn.pdf [404.44 bytes]
  • Số/ Ký hiệu: 05 -TB/HĐTN

    Lượt xem: 6073. Ngày ban hành: 13/09/2017


    Trích yếu: THÔNG BÁO phân công nhiệm vụ thành viên trong BTV, BCH Đoàn huyện Quế Sơn khoá XIII, Nhiệm kỳ 2017-2022

    Tải văn bản: 05-tbhdtn.doc [65.5 bytes]
  • Số/ Ký hiệu: 13 - QĐ/HĐTN

    Lượt xem: 4455. Ngày ban hành: 13/09/2017


    Trích yếu: QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đoàn huyện Quế Sơn khóa XIII, nhiệm kỳ 2017-2022

    Tải văn bản: 13-qdhdtn.doc [122 bytes]
  • Số/ Ký hiệu: 01 CT/HĐTN

    Lượt xem: 7444. Ngày ban hành: 13/09/2017


    Trích yếu: CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC TOÀN KHÓA CỦA BCH ĐOÀN HUYỆN QUẾ SƠN KHÓA XIII, NHIỆM KỲ 2017 - 2022

    Tải văn bản: 01-cthdtn.doc [57.5 bytes]
  • Số/ Ký hiệu: 10 TTr/HĐTN

    Lượt xem: 5669. Ngày ban hành: 03/10/2017


    Trích yếu: Thông tri triệu tập tham dự Hội nghị tổng kết công tác Đội, Đoàn trường học, năm học 2016-2017

    Tải văn bản: 10-ttrhdtn.pdf [232.91 bytes]
  • Số/ Ký hiệu: Số: 70 -KH/LT

    Lượt xem: 3588. Ngày ban hành: 02/08/2017


    Trích yếu: Xét chọn trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tỉnh Quảng Nam năm 2017.

    Tải văn bản: so-70-khlt.doc [55 bytes]
  • Số/ Ký hiệu: TB 01/HĐĐ

    Lượt xem: 4338. Ngày ban hành: 11/05/2017


    Trích yếu: Thông báo một số nội dung về hội trại kỹ năng Chỉ huy Đội, năm 2017

    Tải văn bản: tb-01hdd.doc [43 bytes]

Videos giới thiệu

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 12
Hôm nay 502
Tháng này 57851
Tổng truy cập 5379814

Bồi dưỡng văn hóa đạo đức cho cán bộ trẻ trong tình hình mới

Ngày đăng: 12:30 05/06/2023. Lượt xem: 586

(TG) - Văn hoá đạo đức đã trở thành nền tảng của văn hoá Việt Nam, hiện nay đang được nâng lên ở tầm cao mới. Bồi dưỡng văn hoá đạo đức cho cán bộ trẻ ở nước ta và định hướng bồi dưỡng văn hóa đạo đức cho cán bộ trẻ trong tình hình mới là yêu cầu khách quan. Đây vừa là nội dung, vừa là định hướng để cán bộ trẻ phát triển toàn diện cả về phẩm chất, nhân cách và đạo đức theo tiêu chí chân - thiện - mỹ.

Văn hoá đạo đức là một hệ giá trị, chuẩn mực về đạo đức, nó được hình thành và phát triển trong đời sống xã hội; được xã hội thừa nhận, lĩnh hội, bảo vệ và lan truyền trong cộng đồng. Mỗi cộng đồng xã hội có một hệ giá trị văn hoá đạo đức, tạo nên bản sắc riêng, làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển đời sống tinh thần của mình. Văn hoá đạo đức phản ánh bản chất người, nuôi dưỡng phẩm hạnh con người trong mọi thời đại, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần xã hội, đó là sự phát triển bản chất người theo tiêu chí chân - thiện - mỹ và hiện thực hóa nó thông qua hoạt động sống của con người trong tiến trình lịch sử.

Văn hoá đạo đức của cán bộ trẻ ở nước ta hiện nay có những giá trị tiêu biểu gắn với từng “mẫu hình con người” - Chuẩn mực văn hóa đạo đức của cán bộ trẻ đại diện cho từng lĩnh vực công tác. Nhưng, tựu chung lại chuẩn mực văn hóa đạo đức của cán bộ trẻ hiện nay bao gồm: Có trình độ văn hóa; “trung với Đảng, với nước, hiếu với dân”; am hiểu pháp luật; thành thạo nghiệp vụ; “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”; cẩn thận, nhẫn nại, tận tâm với công việc, phục vụ nhân dân; gương mẫu “nói đi đôi làm”; không hiếu danh; không kiêu ngạo. Chuẩn mực văn hóa đạo đức đó của cán bộ trẻ là “cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước” để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Chuẩn mực văn hóa đạo đức đó của cán bộ trẻ sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp - nhân tố quyết định mọi sự thành công của cán bộ trẻ hiện nay.

Nhận thức rõ về vị trí, vai trò văn hóa đạo đức của cán bộ trẻ đối với sự phát triển và nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng văn hóa đạo đức cho cán bộ trẻ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Biểu hiện ở đa số cán bộ trẻ đã tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa; có ý thức và tự giác chấp hành pháp luật; thành thạo nghiệp vụ; tận tâm với công việc, phục vụ nhân dân; ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, bồi dưỡng văn hóa đạo đức cho cán bộ trẻ còn một số hạn chế, bất cập, đó là một số cán bộ trẻ thiếu nhẫn nại, chưa cẩn thận trong công việc; thiếu sự thống nhất giữa trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm đạo đức trong thực thi công vụ; còn có biểu hiện hiếu danh, kiêu ngạo, bè phái, thiếu gương mẫu nói không đi đôi làm.

Mặt khác, trước diễn biến của tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc càng đặt ra yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực của cán bộ trẻ. Đòi hỏi phải bồi dưỡng chuẩn mực văn hóa đạo đức cho cán bộ trẻ là yêu cầu khách quan. Đây vừa là nội dung, vừa là định hướng để cán bộ trẻ phát triển toàn diện cả về phẩm chất, nhân cách và đạo đức theo tiêu chí chân - thiện - mỹ. Đồng thời, việc bồi dưỡng chuẩn mực văn hóa đạo đức cho cán bộ trẻ cũng là biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế của họ nêu trên. Vì vậy, để bồi dưỡng văn hóa đạo đức cho cán bộ trẻ đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới cần thực hiện một số nội dung sau đây:

Một là, tăng cường bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho cán bộ trẻ.

Yêu nước là lý tưởng thiêng liêng, lẽ sống cao đẹp, là tình cảm chủ đạo và định hướng giá trị cho hành động và cách ứng xử của con người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2). Đó là hệ thống quan điểm, tư tưởng, tình cảm, ý chí và hành động của con người đối với đất nước, được hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, lòng yêu nước của nhân dân ta đã được nâng lên tầm cao mới - Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là sự thống nhất chặt chẽ giữa nội dung và hình thức biểu hiện. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam gồm các tiêu chí tiêu biểu: Ý thức bảo vệ chủ quyền non sông đất nước; có tinh thần độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý chí tự chủ, tự lực, tự cường; có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, không chịu khuất phục trước kẻ thù, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; có tình yêu quê hương, xứ sở, đất nước; tình yêu người thân, đồng bào, đồng chí và sự gắn bó, đoàn kết giữa những con người có cùng nguồn tộc; ra sức hành động cống hiến sức lực, trí tuệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ nghĩa yêu nước được hình thành, bồi đắp và phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, trở thành chuẩn mực cao nhất trong thang giá trị văn hóa đạo đức là sợi chỉ đỏ trở thành động lực tinh thần to lớn, tạo ra sức mạnh vô địch góp phần vào sự trường tồn của dân tộc và sự phồn vinh của đất nước. Vì vậy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cần phải được thường xuyên khơi dậy, bồi đắp và biến thành hành động cụ thể, thành các phong trào xã hội thiết thực, nếu không nó sẽ bị phai mờ theo thời gian.

Bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho cán bộ trẻ sẽ giúp họ trau dồi về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống, niềm tin, ý chí quyết tâm, tình cảm và hoàn thiện nhân cách, thôi thúc họ hành động tự giác, thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; để họ hiểu sâu sắc hơn và hành động đúng đắn về tình yêu quê hương, đất nước và con người; sự gắn bó, cố kết cộng đồng, hướng về nhân dân, thực sự “lấy dân làm gốc”; nâng cao ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc, về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc; kế thừa, tiếp thu và phát huy truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương, lòng yêu thương con người - đó là cái gốc văn hóa đạo đức của cán bộ trẻ hiện nay.

Mục đích bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho cán bộ trẻ để họ nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm gắn bó với cơ quan, đơn vị, với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp; giải quyết hài hòa giữa tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản, nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; để cán bộ trẻ còn làm theo lời ước nguyện của Người là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3).

Bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho cán bộ trẻ phải hướng và gắn với yêu chủ nghĩa xã hội, vì đó là sức mạnh cội nguồn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại mới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”(4). Nếu không thực hiện điều đó thì “nước mất, nhà tan”, bởi nước độc lập thì dân tộc mới độc lập, con người mới được giải phóng và có tự do, ấm no, hạnh phúc đích thực - điều đó chỉ có được dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, bồi dưỡng tình yêu thương và quan tâm đến con người.

Yêu thương con người là đức tính tốt đẹp, là truyền thống quý báu của nhân dân Việt Nam. Lòng yêu thương con người được lan tỏa trong xã hội sẽ giúp cho cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc hơn và đáng sống; làm cho con người gần nhau hơn, là nguồn động lực tinh thần để giúp người đón nhận tình yêu thương đó có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống, vượt qua khó khăn để đạt được niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Vì thế, cần làm cho lòng yêu thương con người của cán bộ trẻ không ngừng phát triển và lan tỏa trong xã hội để tạo ra sự quan tâm với nhau, mở lòng, chăm sóc, bao dung, đồng cảm, chia sẻ, lo lắng, giúp đỡ, vị tha, thấu hiểu với từng hoàn cảnh của mỗi con người, nhìn nhận xã hội khách quan, công bằng gắn kết cùng nhau phát triển. Đồng thời, cán bộ trẻ cần phải tránh tạo ra ngăn cách, tính ích kỷ, nhỏ nhen, tính vô cảm và vô tâm trước lỗi đau khổ của người khác.

Bồi dưỡng tình yêu thương và quan tâm đến con người cho cán bộ trẻ, trước hết và trực tiếp là việc chăm sóc ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em và những người thân trong gia đình, dòng họ; quan tâm, chăm sóc đồng chí, đồng đội, những người hàng xóm, láng giềng; tiếp đến là những người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, những người yếu thế trong xã hội, những người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Lòng yêu thương con người của cán bộ trẻ không đòi hỏi về vật chất đơn thuần mà thể hiện ở những điều bình dị trong cuộc sống với tinh thần tự nguyện, tự giác thông qua việc chăm sóc ông bà, bố mẹ khi ốm đau, nhường nhịn em nhỏ, sẵn sàng giúp đỡ động viên mọi người khi gặp khó khăn; tình nguyện, quyên góp giúp đỡ, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ; giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; hiến máu nhân đạo; biết tha thứ khi người khác mắc lỗi; biết hy sinh bản thân vì người khác; có lòng nhân ái, vị tha trong cuộc sống và trong công tác.

Giáo dục lòng yêu nước cho cán bộ trẻ có lòng thương yêu con người để họ không chỉ đối với người thân yêu, gần gũi, mà còn có tình thương đối với nhân dân gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình, phải chăm lo cuộc sống của nhân dân, giúp đỡ nhân dân và phải “đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”(5). Đồng thời, hướng việc giáo dục lòng yêu nước, thương dân phải làm cho cán bộ trẻ thấm nhuần tư tưởng “dân là gốc”, là nguồn sức mạnh vô địch, từ đó, phải khơi dậy tư tưởng đó để mỗi cán bộ, không chỉ ở tư tưởng, tình cảm, ý chí mà quan trọng là phải thể hiện ở hành động thông qua cuộc sống hàng ngày và thực tiễn công tác. Thực hiện theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải biết trọng nhân dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”(6). Vì thế, cán bộ trẻ phải thường xuyên sâu sát, quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ niềm vui, thấu hiểu nhu cầu và chăm lo đến lợi ích chính đáng của nhân dân.

Hơn thế nữa, cán bộ trẻ không chỉ động viên, mà phải biết phát huy vai trò của nhân dân, khơi dậy tinh thần tập thể, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp trong nhân dân, vận động nhân dân hăng hái lao động và xây dựng xã hội mới tiến bộ, phát triển, phồn vinh và hạnh phúc. Vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(7). Cho nên, cán bộ trẻ cần phải biết phát huy vai trò của nhân dân, động viên nhân dân tham gia đông đảo vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ trẻ coi trọng và khơi dậy tình nhân ái, khoan dung trong cơ quan, đơn vị và trong nhân dân, đây là sự nối tiếp các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, cần phải phát triển lên tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ”(8). Đồng thời, cán bộ trẻ phải có lòng tin tưởng vào đồng chí, đồng đội và nhân dân, kể cả đối với những người mắc vào sai lầm, khuyết điểm. Người nhắc nhở: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(9). Đối với những người lầm đường, lạc lối, người có thói hư, tật xấu cán bộ trẻ phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(10). Đó là thái độ trân trọng, là cái nhìn rộng lượng của cán bộ trẻ để tìm ra điểm chung, hoà đồng để mọi người cùng phát triển.

Cán bộ trẻ cần phải khắc phục thiên kiến, hẹp hòi, ích kỷ, tính tự kiêu, tự đại, tự mãn trong công tác và trong cuộc sống hàng ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: “Tự kiêu, tự đại tức là thoái bộ. Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”(11). Thực hiện điều đó sẽ giúp cho cán bộ trẻ ngày càng phát huy được tình nhân ái, khoan dung để mọi người trong cơ quan, đơn vị mình phát triển bền vững.

Ba là, bồi dưỡng cái“thiện”, loại trừ cái “ác” trong cán bộ trẻ.

Cái “thiện” và cái “ác” thường nảy sinh trong mối quan hệ “công - tư” và biểu hiện trong quá trình giải quyết vấn đề về lợi ích, giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Cái “thiện” trong mỗi cán bộ trẻ là tình thương, lòng nhân nghĩa, sự bao dung, là lẽ sống “mình vì mọi người”, trung thực, thẳng thắn, sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải, là tinh thần hăng say lao động, là sống có lý tưởng cao đẹp. Cái “ác” trong bản thân mỗi cán bộ trẻ thường là tính hẹp hòi, đố kỵ, vị kỷ, dối trá, lòng tham, bất nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thiện và ác là hai cái mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ và gian khổ, nhưng cuối cùng thì ác nhất định bại, thiện nhất định thắng”(12). Vì vậy, mỗi cán bộ trẻ không chỉ thực hành “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, loại bỏ quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng mà còn phải rèn luyện để cái “thiện” phát triển và cái “ác” mất đi. Mặt khác, trong mỗi công việc, cán bộ trẻ đều phải hướng thiện, phải rộng lượng, khoan thứ; sự tự phấn đấu, tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách là những nhân tố tích cực, chủ động trong xây dựng môi trường xã hội, để kết hợp giữa cá nhân, tập thể cùng toàn xã hội hành “thiện”, bài “ác”, đó là nền tảng của sự tiến bộ để xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa đi đến thành công.

Bốn là, bồi dưỡng tư tưởng “bình đẳng xã hội” và “công bằng xã hội” cho cán bộ trẻ. 

Bình đẳng xã hội là một khái niệm có tính lịch sử, đó là tình trạng mà trong đó tất cả mọi người hay một nhóm người trong một xã hội cụ thể, có địa vị, tình trạng pháp lý tương tự nhau ở những khía cạnh như các quyền dân sự, tự do ngôn luận, quyền sở hữu và tiếp cận bình đẳng đối với hàng hóa, an sinh và dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, mức độ, phạm vi, điều kiện khác nhau thì bình đẳng xã hội cũng khác nhau. Vì thế, trong mọi xã hội người ta thường đề cập đến bất bình đẳng xã hội như bất bình đẳng dân tộc, bất bình đẳng giai cấp, bất bình đẳng giới tính, bất bình đẳng thế hệ, hoặc sự thiếu công bằng giữa người dân và người có chức có quyền.

Hội thảo với chuyên đề

Hội thảo với chuyên đề "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" được tổ chức chiều ngày 18/5/2019 tại Hà Nội

Bình đẳng xã hội và công bằng xã hội chỉ thực sự có được trong chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa vì ở chế độ đó giải quyết hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi, tạo nên các cách ứng xử, các quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự nhiên nhằm thúc đẩy những nhân tố tiến bộ xã hội xuất hiện nhằm tạo ra công bằng xã hội. Vì thế, phải bồi dưỡng tư tưởng “bình đẳng xã hội” và “công bằng xã hội” cho cán bộ trẻ. Tuy vậy, tư tưởng về công bằng và bình đẳng xã hội được thể hiện một cách sinh động, linh hoạt trong những hoàn cảnh, thời kỳ và tình huống cụ thể khác nhau của quá trình xây dựng đất nước. Khi nói đến công bằng xã hội, thường gắn với bình đẳng xã hội. Công bằng xã hội chính là sự bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trong mối quan hệ cụ thể. Mỗi cán bộ trẻ phải hiểu rõ: “Nhân dân có nghĩa vụ, đồng thời có quyền lợi. Nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, v.v. có quyền ứng cử và bầu cử. Đàn bà có mọi quyền lợi như đàn ông. Các dân tộc trong nước đều có quyền lợi như nhau”(13). Vì thế, mỗi cán bộ trẻ đều phải nhận rõ mình là người chủ nước nhà và đã có quyền hạn làm chủ, thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ để thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội.

Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu cần làm cho cán bộ trẻ thấy rõ sự công bằng và bình đẳng xã hội được bảo đảm bằng những cơ sở vững chắc, đó là “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(14) và do “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động… Chúng ta có quyền và có đủ điều kiện để tự tay mình xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc cho mình. Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”(15) đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Mỗi cán bộ trẻ cần phải phát huy mọi khả năng của mình cùng vươn tới mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó là đất nước được độc lập, tự do, phát triển nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm là, giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật cho cán bộ trẻ.

Trong các quan hệ đạo đức mới ở thời đại mới, đạo đức phải luôn gắn với pháp luật. Trong Nhà nước ta, pháp luật và dân chủ luôn đi đôi với nhau vừa phát huy vai trò của chính quyền các cấp, vừa phát huy vai trò của nhân dân để họ được làm chủ vận mệnh của mình, bởi vì pháp luật luôn là “bà đỡ” của dân chủ. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật, ngược lại hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tư do dân chủ của người dân được thực hiện trong thực tế. Nhà nước phải hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Cho nên, cán bộ trẻ phải có tinh thần thượng tôn pháp luật, phải hết lòng phục vụ nhân dân với tinh thần “việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh”(16).

Thông qua việc giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật cho cán bộ trẻ góp phần nâng cao trình độ, bồi dưỡng ý thức làm chủ và tích cực hóa quyền công dân; phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; gương mẫu thực hiện pháp luật, phải bảo đảm được tính vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng với mọi công dân trước pháp; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đứng ngoài, đứng trên pháp luật; tránh bè phái, cảm tình riêng trong thực thi công vụ, điều đó không chỉ làm thiệt hại đến lợi ích, sự tiến bộ xã hội, mà trực tiếp tổn hại đến phẩm giá, làm suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ trẻ. Cán bộ trẻ phải hiểu và phát triển đạo đức cách mạng, “biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(17) để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Bồi dưỡng văn hóa đạo đức cho cán bộ trẻ trong tình hình hiện nay có ý nghĩa sâu sắc trong xây dựng Đảng về đạo đức. Vì thế, cần phải phát huy các giá trị văn hóa đạo đức để định hướng các quan hệ đạo đức, ứng xử của cán bộ trẻ theo hướng chân - thiện - mỹ. Mỗi cán bộ trẻ cần phải giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng ham muốn về vật chất, rèn luyện đạo đức, trau dồi kiến thức và tài năng để phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Nguồn: Tuyengiao.vn

Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Tin liên quan