Ngày đăng: 03:35 10/01/2024. Lượt xem: 609
Hàng chục năm qua, các cô giáo trường Mầm non xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hàng ngày vẫn tổ chức nấu nướng rồi mang cả trăm suất cơm nóng vượt qua những con đường đèo dốc lên những điểm trường vùng cao.
Giờ nổi lửa, bắc bếp của các cô cấp dưỡng tại điểm trường chính ở Xuân Lạc thường phải sớm hơn nơi khác. Bởi thức ăn sau khi nấu chín còn phải vượt đèo dốc đến với 4 điểm trường ở các bản, trong đó, điểm xa nhất là Bản Eng xa tới 6 km. Dù nhà trường mới được xây dựng hệ thống nước sạch vài tháng trước, nhưng do trường ở vùng cao lại trong mùa khô cạn nên các cô vẫn phải đi xin từng xô nước của các hộ dân xung quanh về để nấu khoảng 200 suất ăn cho trẻ ở 5 điểm trường.
Gần 10h, khi cơm canh đã chín cũng là lúc cô giáo ở các điểm trường đi xe máy đến lấy cơm, thức ăn mang lên bản. Những chiếc xe gắn máy, loại phương tiện hữu hiệu nhất với kiểu đường đèo dốc được gắn thêm giá gỗ, bên trong có các thùng inox chứa cơm, rau và cả đồ cho bữa ăn phụ buổi chiều. Cô giáo Ma Thị Nguyệt, điểm trường Khuổi Sáp chia sẻ: Đường xa, đèo dốc khó đi nên các cô luôn dặn nhau phải chằng buộc cẩn thận...
“Những ngày nắng thì đi lại cũng dễ thôi, nhưng nếu trời mưa rét đi lại cũng vất vả, nếu mưa lạnh đi lại thì người có khi cũng bị ướt. Lên điểm trường Khuổi Sáp còn đoạn ngắn là đường đất, nên mưa cũng khá khó khăn. Các cháu từ nhà đến trường cũng đã rất khó khăn rồi nên khi đến lớp, các cô sẽ cố gắng, cái gì các cô làm được sẽ làm hết khả năng của các cô” - cô Nguyệt chia sẻ.
Những bát cơm nóng đong đầy tình thương, trách nhiệm của các cô giáo đã góp phần giúp những học trò bản nghèo vùng cao xua đi cái giá lạnh của mùa đông. Mong muốn lớn nhất của các cô giáo cũng như người dân nơi đây là sớm có một bếp ăn ngay tại bản, để các con có bữa ăn ngon hơn và các cô giáo cũng không còn vất vả nắng mưa hay giá rét trên những cung đường gập ghềnh đèo dốc.