Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn được đặt trên đỉnh đồi Cấm Dơi, cách trung tâm hành chính huyện khoảng 150m về hướng Đông Nam và cách trục đường ĐT611 khoảng 100m về phía Bắc. Nơi đây xưa kia có nhiều dơi sinh sống, bởi vậy người dân quanh vùng gọi là địa danh Cấm Dơi. Đây là nơi diễn ra nhiều trận đánh giằng co quyết liệt trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trận đánh lịch sử từ ngày 17 đến 19/8/1972 do lực lượng bộ binh Sư đoàn 711 Quân khu 5 chủ công. Với ý nghĩa kể trên, đồi Cấm Dơi đã thu hút nhiều đoàn du khách và đặc biệt là thế hệ trẻ đến tìm hiểu về Chiến thắng Quế Sơn oanh liệt, nhất là vào các dịp Lễ, Tết và các ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước và địa phương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Cấm Dơi là vùng đồi có diện tích hơn 65.000m2 gồm nhiều tảng đá lớn nằm án ngữ, trải từ miền núi xuống đồng bằng. Giặc Mỹ đã tận dụng đặc điểm địa hình hiểm trở này để biến Cấm Dơi thành căn cứ quân sự vững chãi. Cụ thể: phía Đông Bắc là hầm chỉ huy với nhiều lô cốt. Khu trung tâm trũng là trận địa pháo hỗn hợp; phía Tây lại là khu đóng quân của lực lượng bộ binh. Từ ngoài vào trong được bao bọc với 12 lớp rào kẽm gai, nhiều bãi mìn các loại. Vòng quanh 3 hàng rào trong cùng, chúng xây dựng các con đường đất dùng cho xe tăng tuần tra ban đêm. Một điểm đặc biệt khác phải nhắc đến là hệ thống công sự ba tầng đan xen giữa lô cốt sắt, bê-tông cốt sắt và hệ thống hang đá sẵn có. Với hệ thống hầm hào và công sự chiến đấu kiên cố như thế, thật không ngạc nhiên khi địch xem đây là “ổ khóa” của cánh cửa bảo vệ chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bây giờ. Quân Mỹ chọn đây làm nơi đóng quân của Lữ đoàn 173 thủy quân lục chiến và đặt tên là căn cứ ROSS. Đến năm 1971, chúng giao lại cho quân ngụy tiếp tục đóng quân và bố trí ở đây một lực lượng hùng hậu với hai trung đoàn là Trung đoàn 5 và Trung đoàn 6 thuộc Sư đoàn 2 Bộ binh ngụy, 1 Trung đoàn thiết giáp. Tổng lực lượng địch ở đây có lúc lên đến khoảng 1.300 quân các loại.
Thực hiện chủ trương tập trung mọi lực lượng mở cuộc tiến công và nổi dậy trên địa bàn, cuối tháng 7 năm 1972, Quân khu 5 của ta bắt đầu đánh mạnh vào hệ thống phòng ngự để kéo giãn lực lượng địch, đồng thời chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Quế Sơn. Trong vòng chưa đầy một tháng (26 ngày đêm), Sư đoàn 711 và các đơn vị chủ lực của Quân khu đã tiêu diệt các chốt điểm sát căn cứ Cấm Dơi; từ Bằng Thùng, Đá Hàm, Hòn Chiêng, Động Mông đến Đá Tịnh, Gò Đá. Với quyết tâm hạ dứt điểm "ổ khoá" Quế Sơn, suốt đêm 18/8 và sáng 19/8/1972, với sự hỗ trợ của lực lượng pháo 130 ly, ta bắn cấp tập và chính xác vào các trận địa trú ẩn của địch. Chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 18 đến trưa ngày 19 tháng 8 năm 1972 bộ đội ta đã chiếm lĩnh trận địa, đánh chiếm Sở chỉ huy và làm chủ hoàn toàn căn cứ Cấm Dơi.
Chiến thắng oanh liệt Quế Sơn không chỉ đánh dấu mốc quan trọng vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà còn trở thành một niềm tự hào không thể quên của người dân Quảng Nam. Năm 1979, Đảng bộ huyện Quế Sơn đã quyết định chọn đồi Cấm Dơi làm nơi đặt Tượng đài Chiến thắng, làm biểu tượng cho hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân anh hùng. Tượng cao bảy mét đặt trên khối bệ hình bát úp cao chín mét. Kết cấu thể hiện một chiến sĩ giải phóng đầu đội mũ tai bèo, tay cầm súng bên cạnh người nữ du kích. Cả hai trong tư thế tiến về phía trước và cùng nâng một em bé; phía sau là biểu tượng một nếp dù đang bay trước gió. Đây cũng là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã xả thân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày nay, du khách đến Di tích lịch sử Quế Sơn ngoài việc thắp nén nhang tưởng nhớ các liệt sĩ còn có thể chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh Quế Sơn; với tầm nhìn bao quát từ trung tâm thị trấn đến rừng cây xanh bạt ngàn ba phía Tây, Nam và Bắc của thung lũng.
Nguồn tin: Quế Sơn - Văn hóa và Du lịch
Cổng thông tin điện từ huyện Quế Sơn