Bà Trần Thị Tâm (65 tuổi), hiện là trưởng mái ấm Ga Sài Gòn (đường Hoàng Sa, quận 3, TP.HCM).
Hơn 30 năm qua, mái ấm này đã tiếp nhận, đỡ đầu, chăm sóc và giáo dục bao lứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, bù đắp yêu thương cho những đứa con vốn chẳng máu mủ ruột rà với mình.
Hạnh phúc dưới mái nhà chung
Mái ấm Ga Sài Gòn do một cặp vợ chồng người Hà Lan thành lập. Họ tài trợ kinh phí hoạt động, chăm lo cho trẻ cùng với sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM nhờ vận động các nhà hảo tâm, tiếp nhận trẻ nữ nhỏ nhất từ 6 tuổi. Hiện nơi đây đang chăm sóc 16 bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi hoặc gia đình không có điều kiện chăm sóc.
Thời điểm đông nhất mái ấm có 22 trẻ. Các bạn được nuôi ăn học đến khi hoàn tất đại học, cao đẳng. Bạn Ngô Yến Nhi (22 tuổi) đang là chị cả trong nhà. 7 tuổi, gia đình gặp nhiều biến cố, Yến Nhi đã trở thành con của má Tâm tại mái ấm Ga Sài Gòn. Hiện bạn đang học ngành thiết kế đồ họa.
"Nhìn lại thấy cuộc đời mình may mắn hơn là bất hạnh, bởi dù không sống trong vòng tay cha mẹ nhưng bù lại có cả gia đình lớn với má Tâm và hơn chục đứa em" - Yến Nhi tâm sự.
Má Tâm, trưởng mái ấm Ga Sài Gòn, chuẩn bị đồng phục cho các con đầu năm học mới - Ảnh: THẢO LÊ
Ngoài bà Tâm, mái ấm còn có bảo mẫu tên Vân. Nói là trưởng mái ấm song bà Tâm có khác gì bảo mẫu. Bà chỉ các con làm bài tập, phụ nấu nướng, việc nhà, vệ sinh cho mấy cháu còn bé. Ngày thường các cô nấu cho ăn, ngày nghỉ các bé lớn chia nhóm ra đứng bếp, đứa nhỏ phụ nhặt rau.
Mái ấm này có vài bạn đang là sinh viên đại học, cao đẳng. Má Tâm luôn dặn các con phải chịu khó học để ra đời đỡ vất vả. "Đứa lớn có thể dạy học, kèm cặp các em. Đi học các con đều đi bộ vì trường cũng gần nhà. Thương là các con đều chịu học" - bà Tâm kể. Quận 3 còn có một mái ấm tư nhân lâu đời khác là mái ấm Ánh Sáng (phường 4). Hiện ở đây đang nuôi dưỡng 20 trẻ nam nhiều độ tuổi. Ông Nguyễn Thiên Hải (48 tuổi) - trưởng mái ấm Ánh Sáng - nhớ lúc đầu đây chỉ là một tổ ấm nhỏ được quận thành lập hỗ trợ trẻ bán vé số, bán báo, đánh giày khu vực ga Sài Gòn có chỗ ăn ngủ.
Thời điểm ấy, ông Hải là một trong những thành viên Câu lạc bộ Giáo dục viên đường phố. Không ít lần ông xót xa khi bắt gặp nhiều bạn nhỏ 10 - 12 tuổi từ miền Bắc, miền Trung vì hoàn cảnh phải "nhảy tàu" vào Sài Gòn mưu sinh bằng đủ nghề. Cho đến khi UBND quận 3 và Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM thành lập mái ấm Ánh Sáng vào năm 1998, ông Hải gắn bó với mái ấm đến hiện tại.
Ở đây như một gia đình. Sau giờ tan học, các bạn cùng phụ nấu ăn, dọn dẹp nhà. Cuối tuần, mái ấm sẽ cùng tham gia đá bóng, dã ngoại, sinh hoạt ở Đoàn phường. Ông Hải khoe các bạn có ý chí vượt khó rất cao, nhiều bạn học tốt và đậu đại học, cao đẳng. Bố Hải luôn dặn các con tự thân vận động, nỗ lực vươn lên để tìm lối đi sáng cho đời mình.
Mong con có mái ấm hạnh phúc riêng
Nói về khó khăn, ông Hải cười bảo sao tránh khỏi, nhất là trẻ ở độ tuổi 10 - 13 biến đổi tâm sinh lý, ham chơi và nghịch hơn. Những lúc như thế, bố Hải lại hóa thành bạn để nghe tâm sự, tư vấn cả chuyện thầm kín cho các con.
Ông Hải làm cha của cô con gái nhỏ song còn là bố của 20 đứa con trai nên thời gian ở mái ấm thường nhiều hơn ở với gia đình nhỏ của mình. Biết vợ con có phần tủi thân khi dịp lễ, Tết cha phải dành thời gian cho mái ấm nên ông Hải hay thủ thỉ với con gái không có bố con còn mẹ, ông bà chứ các anh trong mái ấm không được ở bên bố mẹ. "Nhờ vậy con gái cũng hiểu và đồng hành cùng bố" - ông Hải kể.
Bà Tâm lại tự nhủ "mình thương nó thì nó sẽ thương lại". Bà kể các con hiểu chuyện, biết lo lắng và phụ chăm má bệnh hay đi làm có đồ ăn ngon cũng nhường phần má trước. Không vướng bận gia đình nên bà dồn hết thời gian, tâm sức ở mái ấm.
"Phải có sự kiên nhẫn, phải lắng nghe, tâm sự, theo dõi thay đổi tâm sinh lý của từng đứa một. Tôi còn có cuốn sổ ghi chép, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của từng bé" - bà Tâm cười.
Hôm chúng tôi đến mái ấm Ánh Sáng, đúng lúc bạn Huỳnh Trần Phương Nguyên (23 tuổi) về thăm. Nguyên hiện sống ở nơi khác, làm việc cho một công ty mỹ phẩm và mỗi khi có thời gian đều chạy về chơi với các em.
"Lớn lên từ tình thương, sự chở che của bố Hải, mình luôn tự nhắc bản thân phải nỗ lực để khi có điều kiện sẽ trả ơn bố và giúp các em nhỏ có hoàn cảnh như mình" - Nguyên bộc bạch.
Chẳng niềm vui nào bằng khi nhìn các con dần trưởng thành, có công việc để mưu sinh. Cả ông Hải lẫn bà Tâm đều nói không chờ các con sẽ quay lại hỗ trợ nơi chúng lớn lên. Với họ, chỉ mong đứa nào cũng có một mái ấm gia đình riêng hạnh phúc thì đã có thể mỉm cười được rồi.
Nguồn: Tuoitre.vn