Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của địa phương. Thanh niên Trần Anh Thuận - TDP Yên Lư, thị trấn Hương An đã tích cực xây dựng mô hình "Nuôi trồng tuần hoàn khép kén" nhằm hạn chế tới mức thấp nhất ô nhiễm môi trường từ chất thải nông nghiệp và tận dụng nguồn nguyên liệu này tăng thêm thu nhập.
Từ chàng sinh viên trẻ, tốt nghiệp Đại học và có công việc mới mức lương ổn định tại Trường Hải Oto; nhưng Trần Anh Thuận vẫn luôn mang trong mình niềm đam mê khởi nghiệp và ấp ủ ước mơ được cống hiến điều gì đó cho mảnh đất quê hương. Trước thực trạng môi trường ô nhiễm, chất lượng sống giảm sút Thanh niên Trần Anh Thuận mong muốn rằng mô hình phát triển kinh tế của mình sẽ không làm hại đến môi trường mà đóng góp một phần cải thiện nó và vẫn đem lại giá trị về kinh tế và tinh thần cho bản thân và những người xung quanh. Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thấy cá chình bông có giá trị kinh tế cao và tương đối dễ nuôi, Thành lặn lội vào tỉnh Phú Yên học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và mua 800 con cá chình giống về nuôi thử nghiệm. Thành xây dựng 4 hồ nuôi với diện tích 85m2, lắp đặt máy bơm nước, hệ thống tạo ô xy và thả một số ống nhựa vào trong hồ cho cá trú ẩn. Theo Thuận, kỹ thuật nuôi cá chình khá đơn giản, chủ yếu phải giữ nguồn nước sạch, cung cấp đủ hàm lượng ôxy. Thức ăn của cá chình rất đa dạng như cá tạp, nhái, trùn... Để tạo nguồn thức ăn cho cá, Thuận đầu tư chuồng trại nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế.
Nhờ đảm bảo lượng thức ăn và tiêu chuẩn hồ nuôi nên đàn cá chình phát triển tốt, sau 2 năm thả nuôi, hiện Thuận xuất bán cá chình với giá khoảng 600 nghìn đồng/kg. Lứa đầu tiên này uớc tính gia đình ông lợi nhuận không dưới 80 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế khả quan, Thuận tiếp tục xây thêm hồ nuôi cá chình với diện tích 50m2 để thả nuôi 500 con cá chình giống. Ngoài ra, Thuận còn nuôi 500 con ba ba để nâng cao nguồn thu nhập.
“Mô hình của em tuần hoàn khép kín theo hình thức chăn nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế, trùn quế làm thức ăn cho cá chình, ba ba, nước thải từ hồ nuôi cá chình, ba ba tôi trồng cỏ cho bò... nên rất hiệu quả và đảm bảo vệ sinh môi trường” – Thuận cho hay.
Đồng hành cùng với Thanh niên trong phát triển kinh tế, Huyện đoàn - Hội LHTN Việt Nam huyện Quế Sơn đã phối hợp cùng với Ngân hàng CSXH huyện rà soát, đánh giá và hướng dẫn Thuận tiếp cận nguồn vốn vay uỷ thác với mức kinh phí 200 triệu đồng. Việc hỗ trợ thực hiện mô hình thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của thanh thiếu nhi trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế rừng bền vững.