Tôi là "cái cô" múa lân
Ba mươi năm trong nghề làm cô Tổng, một chặng đường đủ dài để ôn lại quá nhiều kỷ niệm vui buồn đan xen. Đến hôm nay, khi chuẩn bị gói gém hành trang để buông tay chèo, tôi mới thấy tự hào về bản thân, tự hào về con đường mà mình đã chọn và đồng hành suốt 30 năm qua.
Tôi tự hào không vì những thành tích, vì những huy chương hay những giấy khen mới có, bạc màu có. Cái tôi tự hào đó là đã gắn bó và đam mê được từng ấy năm với cái nghề mà rất ít đồng nghiệp muốn trải nghiệm. Bởi lẻ một điều không thể phủ nhận, đó là làm Tổng phụ trách vô cùng vất vả, thế nhưng để yêu được nghề và đam mê với nghề thì là cả một quá trình đấu tranh với chữ “TÂM”. Chẳng biết đó là duyên hay nghiệp, nhưng tôi tin chắc ai đã từng là Tổng phụ trách thì không thể nói không yêu nghề được. Bởi cái nghiệp lắm việc nên cũng lắm lắm kỷ niệm không dễ gì quên.
Với tôi, cái kỷ niệm vô cùng ấn tượng khi chập chững bước vào nghề làm cô Tổng, vẫn còn đeo bám đến giờ. Bởi mỗi lần có dịp trở về địa phương nơi đầu tiên tôi nhận công tác, đó là trường Tiểu học Quế Lộc (huyện Nông Sơn bây giờ) là y như cái tên “CÁI CÔ MÚA LÂN” luôn được nhắc lại để nhớ, để cười và để yêu thương…
Vâng! Đó là Trung thu năm 1992, năm đầu tiên tôi vào nghề. Địa phương là một xã miền núi, nhà cách nhà gọi nhau còn không nghe được. Núi, xa nhà, xa người yêu! May mắn thay còn có tập thể nội trú và đám học trò nhỏ đen thui thủi, ngày nào cũng thả trâu ra đồng và ùa vào nội trú râm ran đủ chuyện với mấy cô giáo như chị em ruột thịt.
Trung thu năm đó, từ ý tưởng chớp nhoáng, cánh nội trú chúng tôi và anh Vinh bí thư đoàn xã Quế Lộc, chạy ngay về Thăng Bình mua một cái đầu Lân to tướng đem về. Chỉ trong một ngày Rằm, nào là ông Địa, mình Lân, đuôi Lân, quạt ông Địa, trang phục đội Lân, rồi tập Lân múa, vân vân và vân vân, tất tần tật, tối đó chúng tôi lên đường. Hổng biết sức trẻ hay vui quá mà cô trò quên cả đói vì không ăn tối. Anh Vinh làm thổ địa, chúng tôi đi múa đến 12 giờ đêm, đi bộ tít tận trong núi thôn 3 của xã. Vui và đói không thể nào tả xiết, may sao có nhiều quầy bán tặng Lân mấy gói bánh thay tiền, cô trò chia nhau chìu lòng bà cô ruột. Đến khi phụ huynh đi theo có đồng hồ, bảo khuya quá rồi chúng tôi mới ngớ ra. Thế nhưng, còn một số nhà tít trong xóm, chủ nhà đã chạy ra đón Lân từ giữa xóm, họ nói đã lâu lắm rồi chưa được có Lân vào nhà múa, mấy cô ráng múa dùm. Lúc này mới thấy thấm thía chữ tình từ những người dân chân chất, thế nhưng quá đẫm mệt, đội Lân cũng chỉ ráng được có mấy nhà và đành thất lễ, thương lắm luôn! Thương đến tận bây giờ khi người dân trong xã chỉ nhớ đến cô Tổng mỗi lần có dịp về lại Quế Lộc:
- Cô ni là cái cô múa Lân!
Vâng! Đã ba mươi năm rồi, chữ “TÂM” đối với nghề của tôi đã được nhen nhóm từ 30 năm trước. Bây giờ, đám học trò “đen thủi” của tôi đã thành đạt, lại đưa con đi xem Lân mỗi dịp Trung thu về. Có thể Trung thu bây giờ xa xỉ hơn nhiều, hiện đại hơn nhiều, nhưng làm sao có được một cái trung thu đáng nhớ trong đời của 30 năm trước phải không các em?
Nhân kỷ niệm 80 năm sinh nhật Đội, tôi muốn gửi gắm chút tâm sự nhỏ này đến với các đồng nghiệp đã, đang và sẽ là Tổng phụ trách rằng: Càng vất vả chúng ta càng được trải nghiệm, càng trải nghiệm chúng ta càng được tôi luyện, và khi đã đứng trên bục tạm gọi là thành công để nhìn xuống, lúc đó chúng ta thấy mình đã lựa chọn đúng./.
Lê Thị Châu Toàn, giáo viên TPT Đội Trường TH Đông Phú.