Tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu xuyên quốc gia
Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm, với mục tiêu lấy người dân là “trung tâm”, nhằm thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 và hướng tầm nhìn đến năm 2030. Nhiệm vụ quan trọng của Đề án là xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn về người dân, đồng hành với việc xây dựng Kinh tế số, Chính phủ số và Công dân số, giúp tiết kiệm thời gian, giảm bớt khó khăn về các thủ tục hành chính và đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước.
Tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu xuyên quốc gia
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời với tiền đề tạo ra một hệ thống thông tin lõi, là cơ sở dữ liệu "gốc" chứa thông tin của toàn bộ công dân Việt Nam, đóng vai trò kết nối các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành và địa phương, tạo sự liên kết dữ liệu hiện đại phục vụ việc quản lý dân cư và các dịch vụ công trực tuyến.
Xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng nhất giúp cơ quan nhà nước dễ dàng tiếp cận thông tin và thực hiện các hoạt động hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp một cách đơn giản và thuận tiện. Thay vì yêu cầu người dân và doanh nghiệp phải điền khai thông tin và chứng thực giấy tờ khi giao dịch, hệ thống sẽ tự động trích xuất thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện thủ tục hành chính. Ngược lại, khi thực hiện các thủ tục hành chính, người dân cũng không phải mất nhiều thời gian chờ đợi, thậm chí có thể thực hiện qua ứng dụng điện tử tại bất kỳ đâu.
Bộ Công an triển khai kết nối, tích hợp và khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan đơn vị trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng (VneID); tiến hành từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức... bằng việc tích hợp trong VneID và xác thực thông tin trong thẻ Căn cước công dân.
Tài khoản định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an trên ứng dụng VNeID.
Kết quả đạt được từ việc triển khai Đề án 06
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2021. Sau hơn 2 năm hoạt động, hệ thống đã thu thập và cập nhật thông tin từ hơn 104 triệu người dân thực hiện và hàng ngày đang quản trị trên hệ thống, tuân thủ tiêu chuẩn “đúng-đủ-sạch-sống”. Hệ thống cũng đã kết nối chính thức với 13 Bộ, ngành và 63/63 địa phương với hơn 1 tỷ lượt tra cứu và khai thác thông tin công dân.
Ngày 18/7/2022, Việt Nam tiếp tục triển khai hệ thống Định danh và xác thực điện tử (VNeID), trở thành một trong số những nước sở hữu định danh điện tử quốc gia. Tính đến ngày 26/7/2023, Bộ Công an đã cấp trên 82,8 triệu thẻ CCCD gắn chíp. Công an 63/63 địa phương đã nỗ lực hoàn thành cấp 100% CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn. Thu nhận và phê duyệt 52,9 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt 31,7 triệu tài khoản (chiếm 59,9% tổng tài khoản phê duyệt).
Theo báo cáo của Bộ Công an, dịch vụ thiết yếu trên môi trường điện tử đã hoàn thành 25/25 dịch vụ, tuy nhiên còn 18 dịch vụ công theo Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nổi bật là việc triển khai 35/53 Dịch vụ công mức độ 3 và 4; đồng thời, ngành Công an đã đưa 227 nhóm dịch vụ công khác lên môi trường điện tử, như: cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô và xe máy ở cấp huyện và cấp xã.... và đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ người dân.
Cũng theo báo cáo, tính đến ngày 15/7/2023, có 123.866.984 bản ghi về thông tin Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng số dữ liệu thông tin liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức được đồng bộ tự động đến thời điểm tháng 6/2023 là 2.087.114 hồ sơ. Cùng với việc cung cấp trên 8 triệu mã số khai sinh cho trẻ em, hệ thống đang từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số hoàn chỉnh.
Các dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử chiếm tỷ lệ trực tuyến cao ngay trong những tháng đầu năm 2023. Thông báo lưu trú đạt tỷ lệ 99,9%; đăng ký thường trú đạt tỷ lệ 89,4%. Một số địa phương đã làm tốt trong việc cung cấp các dịch vụ công như Đồng Nai với việc đăng ký thường trú, có 4.809 hồ sơ được xử lý thành công trên tổng số 4.940 hồ sơ (đạt tỷ lệ thành công là 97,35%). Bên cạnh đó, đăng ký tạm trú có 3.430 hồ sơ được xử lý thành công trên tổng số 3.458 hồ sơ (đạt tỷ lệ là 99,19%). Tỉnh Hà Nam đã giải quyết đúng hạn và hoàn thành toàn bộ yêu cầu cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (575/575), đạt tỷ lệ thành công là 100%. Các con số trên cho thấy sự cải thiện và hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công dân.
Hiệu quả thực hiện của các Bộ, ngành
Các Bộ, ngành khác cũng đang từng bước đạt được những kết quả vô cùng khả quan. Từ đầu tháng 5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai dịch vụ công đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng thông qua phần mềm quản lý thi tốt nghiệp. Tổng cộng 1.025.154 thí sinh đăng ký thành công, trong số này có 968.903 thí sinh (chiếm tỷ lệ 94,51%) sử dụng hình thức đăng ký trực tuyến, chỉ có 56.251 thí sinh (chiếm tỷ lệ 5,49%) chọn cách đăng ký trực tiếp.
Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho thủ tục "Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận" được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành xây dựng, kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp dịch vụ công toàn trình mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, thủ tục đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện tại, đã có 61/63 tỉnh và thành phố triển khai thủ tục này. Tổng số hồ sơ phát sinh từ thủ tục này là 8.247 hồ. Việc tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp người dân tiếp cận và hoàn thiện các thủ tục trực tuyến thuận tiện và nhanh chóng; giúp tiết kiệm thời gian và công sức khi người dân làm các yêu cầu liên quan đến quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản đất đai.
Mới đây, sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH với mục tiêu phát triển các ứng dụng cho ngành ngân hàng, bao gồm 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể, hai đơn vị đã tiến hành phối hợp và hoàn thành việc xác thực thông tin tín dụng của hơn 25 triệu khách hàng vay trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong số này, có khoảng 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (tương đương tỷ lệ là 83,28%).
Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu giải pháp áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho các hoạt động dịch vụ ăn uống, nhằm mục tiêu chống lại tình trạng thất thu thuế và ngân sách triển khai giai đoạn 2 từ 1/4/2022. Tính đến ngày 15/8, giải pháp này đã thu hút sự tham gia của 16.814 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân, đạt thành công trong việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc thí điểm triển khai quy trình xác thực sinh trắc học toàn diện cho hành khách khi sử dụng dịch vụ tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (bắt đầu từ tháng 2/2023), Nội Bài (từ tháng 4/2023) và Phú Bài (từ ngày 13/5/2023). Có văn bản triển khai thí điểm sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 cho hành khách sử dụng dịch vụ tàu bay trong các chuyến bay nội địa, thời gian từ ngày 1/6 đến 1/8/2023.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã giao nhiệm vụ cho các địa phương tổ chức kiểm tra và xác định thông tin: Tổng số người được hưởng chính sách an sinh xã hội trong lĩnh vực Lao động quản lý đạt 4,4 triệu người (bao gồm 3,3 triệu người nhận bảo trợ xã hội và 1,1 triệu người có công). Cho đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc kiểm tra cho 2,8 triệu người (chiếm 64,66% tổng số người). Hơn 478.931 người đã mở tài khoản và mong muốn nhận trợ cấp qua hình thức này (chiếm 10,73% tổng số người hưởng chính sách). Từ tháng 1/2023 đến nay, đã thực hiện chi trả qua tài khoản cho 96.988 người (chiếm 20,25% số người đã mở tài khoản), với tổng số tiền chi trả qua tài khoản là 68,9 tỷ đồng.
Nhận thức và hành động về Chuyển đổi số quốc gia đã và đang phát triển, lan tỏa mạnh mẽ tới các cấp, ngành và địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục và có quyết tâm chính trị cao. 100% Bộ, ngành và địa phương đã duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực. Kinh tế số, hạ tầng số và các nền tảng ngày càng mở rộng, trong đó, kinh tế số chiếm tỷ trọng trên 15,2% GDP trong 06 tháng đầu năm 2023. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước đã kết nối 04 cấp hành chính đến 100% xã trên toàn quốc.
Thủ tướng đề cao nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2030. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương tập trung tối ưu hóa thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời đảm bảo an ninh và an toàn thông tin. Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nhanh chóng hoàn thiện, triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2023.
Nguồn: ictvietnam.vn