Theo như lời kể của anh hướng dẫn viên, để tránh sự càn quét của địch, căn cứ khu ủy phải chuyển qua nhiều địa điểm đóng quân như: bến Hiên, bến Giằng, Nam Tam Kỳ, Tiên Phước, Quế Sơn, Nước Oa. Đến năm 1973 thì chuyển về Phước Trà, Hiệp Đức. Tại đây, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Võ Thứ….đã cùng nhau vạch ra đường lối chiến lược cụ thể để chỉ đạo quân dân khu 5 đánh Mỹ. Nơi đây cũng đã từng diễn ra các hội nghị, đại hội quan trọng, là địa điểm tập huấn cho các cán bộ trung đoàn, sư đoàn, cán bộ các tỉnh trong toàn khu về học tập nghị quyết của Đảng….., góp phần cùng cách mạng miền Nam Việt Nam giành thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Đoàn viên, thanh niên xã Quế Long được hướng dẫn viên thăm nhà trưng bày với nhiều hình ảnh và hiện vật chiến tranh gắn liền với những người chiến sĩ kiên trung. Những bình bi đông, ba lô, máy truyền tin, chiếc bật lửa, ống nhòm..... đều gợi lên hình ảnh oai hùng, gian lao mà anh dũng của những người lính Cụ Hồ trong chiến khu xưa. Những kỷ vật dù nhỏ bé nhưng mang trong mình một sứ mệnh thật cao cả, làm chiếc cầu nối cho hành trình gắn kết quá khứ và tương lai.
Qua nghe những câu chuyện từ anh hướng dẫn viên và từ chính những cô chú trong đoàn; được tận mắt chứng kiến nơi làm việc, điều kiện sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ khu ủy năm xưa, tuổi trẻ xã Quế Long càng hiểu hơn về bản anh hùng ca bất diệt của thế hệ những con người biết sống, biết dấn thân và biết hy sinh. Từ đó, cảm nhận được trách nhiệm, đạo lý uống nước nhớ nguồn của mỗi người trong cuộc sống hôm nay, và tự hứa sẽ cùng chung tay để khúc tráng ca ấy được vang mãi.
Huyện đoàn Quế Sơn