Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 12.3.1960, tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP.Thanh Hóa), lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trọng thể. Tiếp đó, các huyện thị của hai địa phương cũng lần lượt tổ chức lễ kết nghĩa. Đây là sự kiện chính trị trọng đại làm nên giá trị tinh thần và vật chất to lớn động viên cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước.
Vì miền Nam và Quảng Nam ruột thịt, Đảng bộ nhân dân Thanh Hóa đã chi viện nhân lực, vật lực cho miền Nam, cho Quảng Nam trong những thời điểm gian khổ nhất, ác liệt nhất. Đáp lại tình cảm thiêng liêng đó, Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Sau ngày giải phóng miền Nam, quan hệ kết nghĩa của hai địa phương chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ hỗ trợ, giúp đỡ nhau xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây, Quảng Nam hiện nay gắn bó, hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chu đáo chính sách đền ơn đáp nghĩa, chia vui khi thành công, giúp nhau khi khó khăn…
Kỷ niệm về những tình cảm quý báu thiêng liêng ấy là những kỷ vật hai bên đã tặng cho nhau. Trong chuyến công tác gần đây, Phóng viên Báo Quảng Nam đã chứng kiến sự trân trọng khi lưu giữ những kỷ vật của Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam đã gửi tặng và được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa.
“Hằng năm, vào dịp kỷ niệm kết nghĩa giữa hai địa phương Thanh Hóa - Quảng Nam, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tổ chức lễ kỷ niệm, tham quan, tìm hiểu về mối quan hệ son sắc giữa 2 địa phương và Bảo tàng Thanh Hóa, nơi lưu giữ các kỷ vật quý giá là điểm đến không thể thiếu” - bà Dương Thị Mỹ Dung, Trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền - Bảo tàng Thanh Hóa cho biết.
Nguyên mẫu Tượng đài chiến thắng Núi Thành ở Quảng Nam được xây dựng trên một đồi cao 43m trong cụm đồi xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành). Nơi đây diễn ra trận đánh Mỹ của quân và dân Quảng Nam vào ngày 26.5.1965, Tiểu đoàn 70 tỉnh đội Quảng Nam đã đánh tan đại đội Mỹ, mở đầu cho phong trào “Tìm Mỹ mà đánh” trên toàn miền Nam.
Bức trướng do Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tặng Thanh Hóa vào tháng 10.1969 thêu dòng chữ: “Vì độc lập tự do, Vì chủ nghĩa xã hội Thanh Hóa - Quảng Nam một lòng “quyết thắng.
Từ ngày 21.10 đến ngày 4.11.1969: Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam do đồng chí Trần Đình Tri làm Trưởng đoàn đến dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII. Tại Đại hội, Đoàn đại biểu Quảng Nam tham gia phát biểu đã khẳng định: “Quảng - Thanh chung sức diệt thù. Mối tình đoàn kết nghìn thu không mờ”.
Thư của Ủy ban vận động MTDT GPMNVN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gửi đồng bào, cán bộ chiến sĩ tỉnh Thanh Hóa nhân dịp Tết Nhân Dần 1962 (ngày 31.12.1961).
“Thưa đồng bào và các đồng chí.
Lúc chúng tôi viết thơ là đương tiết Đông chí thu này, phải trèo núi, vượt sông hiểm trở rồi mới vượt qua giới tuyến đến đất Thanh Hóa vào những ngày đầu xuân Nhâm Dần. Những ngày này, cũng là những ngày của những tháng đầu đấu tranh của năm thứ 8 mà đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng sống dưới chế độ cai nghiệt của Mỹ - Diệm. Tính tháng, tính ngày càng thấy ý nghĩa của thời gian và đặt cho chúng ta nhiệm vụ phải làm mọi việc tìm mọi cách để đi nhanh gần đến ngày thống nhất đất nước, đạp đổ hàng rào giả tạo, chia cách Thanh Hóa - Quảng Nam.
Tết của đồng bào Quảng Nam là một dịp để kiểm điểm lại phong trào đấu tranh trong năm qua, đồng thời, sẵn sàng nhận lấy những nhiệm vụ mới, quyết vươn lên đạp đố xích xiềng Mỹ - Diệm.
Tết năm ngoái, đồng bào Quảng Nam có thư gửi đồng bào Thanh Hóa, hứa hẹn thi đua, nay sang năm mới, chúng tôi vui mừng báo cáo một số thành tích đã đạt được trong năm qua.
Về đầu tranh chính trị: Ảnh hưởng của Mặt trận dân tộc giải phóng đã lan rộng khắp tỉnh và nhiều nơi, đã ăn sâu trong nhân dân. Thư năm ngoái, chúng tôi có nói qua âm mưu lập mưu ấp trù mật ở các huyện phía bắc Quảng Nam để rồi loan dần ra cả tỉnh. Nhưng nay có thể nói, đồng bào Quảng Nam đã đấu tranh đánh bại âm mưu đó. Mấy năm trước ở nông thôn, hệ thống bề điệp thôn xã đã kèm kẹp nhân dân, nay hệ thống đó lung lay mạnh, nhiều nơi mất tác dụng, tan rã. Phong trào thanh niên, học sinh (kể cả ở thành phố) xung vào động quân giải phóng với phong trào chống bắt lính, đào ngũ đã bắt đầu lên mạnh.
Về đấu tranh vũ trang, tự vệ: Thì lực lượng tập trung kết hợp với lực lượng địa phương cùng nhân dân đã đánh được nhiều trận tiêu hao, tiêu diệt. Các đội vũ trang tuyên truyền đã hoạt động sâu rộng xuống vùng đồng bằng, động viên nhân dân tự đứng dậy cứu mình chống địch bằng mọi hình thức gây ảnh hưởng cách mạng rất coi trọng quảng đại quần chúng từ nông thôn đến đô thị.
Tính đến cuối năm, về quân sự, lực lượng cách mạng đã tiêu hao, tiêu diệt làm cho địch chết và bị thương (kể cả bắt và phóng thích) hàng ngàn tên địch, bứt rút 6 đồn, thu hàng trăm súng, trong đó có 1 BZK, 1 đại liên, 2 súng cối 81 và 60, một số trung liên và nhiều tài liệu, quân trang, quân dụng.
…
Để mừng xuân, đồng bào kinh thượng Quảng Nam – Đà Nẵng xin gửi đến đồng bào, đồng chí Thanh Hóa, những thành tích tổng quát trên đây để làm quà xuân, và xin hứa hẹn quyết tâm sang năm mới sẽ thu được những thắng lợi mới nhiều lần lớn hơn. Chúng tôi biết rằng: không phải đạt được những thành tích mà sắp đến tình hình sẽ giảm bớt khó khăn, gian khổ, hy sinh kẻ địch gần ngày tận số sẽ đẩy đưa điên cuồng càng ra sức dội vào đầu nhân dân những tội ác tày trời gây nhiều khó khăn lớn trong bước trưởng thành của cách mạng.
Trong lúc chúng tôi viết thư, thì báo cáo từ các nơi vẫn tiếp tục gửi về cho biết địch đương bắt nhiều người tham gia kháng chiến cũ, trong đó có nhiều người là những cán bộ xã trong thời kháng chiến để thủ tiêu bí mật. Có nơi chúng giết hô hoán là “Việt cộng về giết” hoặc như tên quận trưởng Đại Lộc cho lính giết số người như thế trong xã rồi bắt gia đình chôn, cấm bà con không được tham gia chôn cất. Đây là số phận những người nguyện suốt đời phục vụ nhân dân, đây là những người anh, người em, người con của tất cả, của các đồng chí cán bộ Thanh Hóa, nhất là các đồng chí hiện nay là cán bộ huyện, cán bộ xã, chủ nhiệm hợp tác xã… Đồng bào chúng ta tự hỏi: Họ có tội gì mà chính quyền Mỹ - Diệm đối xử như thế! Không lẽ là lo hướng dẫn nhân dân sản xuất, cải thiện đời sống và lo kháng chiến chống ngoại xâm, dành độc lập cho tổ quốc là có tội hay sao? Chúng tôi trộm nghĩ: Có thể nào hiểu được rằng công việc đang làm của đồng bào Thanh Hóa hiện nay, của ngàn vạn cán bộ, con cháu của mình đương tận tụy phục vụ nhân dân là có tội.
Hôm kia đây, máy bay Mỹ - Diệm còn đem bắn đạn cháy, loại vũ khí mới đốt cháy làng mạc, lúa má gồm cả nhà thờ xóm tập trung cao đài, Tiên Cảnh, Tiên Phước, gây cảnh đói chết ở đây. Những việc như thế xảy ra liên tiếp trong năm đi theo với các cuộc càn quét, khủng bố. Ngày nào cũng có tiếng rền máy bay, đại bác, sống cối gây cảnh chạy loạn của nhân dân trong hòa bình, bỏ việc cày cấy làm ăn. Trong lúc đó, chúng tôi nghĩ đến chế độ miền Bắc thì tìm trăm phương ngàn kế để lãnh đạo, thúc đầy đồng bào ra sản xuất.
Tội ác của Mỹ - Diệm không thể nào nói hết !!
Thưa đồng bào!
Kẻ địch có bộ máy cai trị, có đội quân công an, gián điệp, bảo an, chính quy, có phi cơ, đại bác, xe tăng của Mỹ viện trợ. Lực lượng cách mạng của quần chúng nghèo khổ, đấu tranh với chúng không phải là dễ dàng. Đồng bào chúng tôi phải động viên nhau đoàn kết keo sơn, quyết tâm cao độ vươn mình lên để cứu mình, giải phóng đất nước. Đồng bào Thanh Hóa Quảng Nam chúng ta sẽ quyết tâm hơn nữa, mỗi nơi sẽ làm nhiệm vụ của mình, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và lật đổ chính quyền Mỹ - Diệm để rồi ngày mai không xa, đồng bào 2 tỉnh chúng ta cùng một nhiệm vụ chung xây dựng một nước, một chế độ xã hội tươi đẹp đầy tư do, hạnh phúc.
Cuối thư, chúng tôi xin gửi đến đồng bào, đồng chí Thanh Hóa, lời chào năm mới, năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm sẽ thu nhiều thắng lợi để cho mối tình kết nghĩa giữa 2 tĩnh chúng ta càng thêm thắm thiết”.
Trống đồng Đông Sơn được trao tặng có chiều cao 48cm, đường kính 60cm và nặng 50kg do nghệ nhân Thiều Quang Tùng - Chi hội Bảo tồn và phục hồi nghề truyền thống Đông Sơn đúc với những hoa văn trang trí mang đặc trưng của Trống đồng Đông Sơn cũng như nền văn hóa Đông Sơn. Chiếc trống đồng hiện đang được đặt tại khu trưng bày thuộc Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (Tam Phú, TP.Tam Kỳ).
Một số đầu sách mà tỉnh Thanh Hóa viết và xuất bản về tỉnh Quảng Nam sau khi kết nghĩa. Trong đó nhiều tác giả từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam và những nhà nghiên cứu văn hóa viết và biên soạn. Những đầu sách có giá trị như 2 tập sách “Quảng Nam - trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”; tập sách “Sơ lược lịch sử tỉnh Quảng Nam”; tập truyện ký “Người Quảng Nam”; tập sách tổng hợp “Quảng Nam - tỉnh kết nghĩa của Thanh Hóa”.
Tháng 5. 1975, Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam đã chuyển tặng Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng 6 vạn cuốn sách gồm nhiều thể loại khác nhau.
Số sách trên đã phân chia cho ba thư viện: Thư viện Hội An (gọi là Thư viện Thanh Hóa - Hội An) 1 vạn cuốn; Thư viện Tam Kỳ 1 vạn cuốn; Thư viện Đà Nẵng 4 vạn cuốn. Những năm sau đó Thanh Hóa còn bổ sung cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hàng ngàn cuốn sách. Các cuốn sách với nội dung trên nhiều lĩnh vực y tế, kinh tế, kinh nghiệm quản lý nhà nước… Những đầu sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gợi ý những hướng đi giúp Quảng Nam phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.
PHAN VINH - HOÀ TIÊN