Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đẩy nhanh chuyển đổi số (CĐS), hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Sáng 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đơn giản hoá quy trình xin cấp thị thực điện tử
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng báo cáo đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua; định hướng và các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: VGP)
Năm 2023, trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ VHTT&DL, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cùng với đó, Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của Du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Trong thời gian tới, nhằm tranh thủ tốt các thời cơ, khắc phục các khó khăn, thách thức, tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch, Bộ VHTT&DL đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tối ưu hóa, đơn giản hoá quy trình xin cấp thị thực điện tử, đảm bảo giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác, hiển thị thông báo cụ thể về thời gian trả kết quả thị thực; Thúc đẩy các hoạt động marketing kỹ thuật số.
Xây dựng các nền tảng số để CĐS mạnh mẽ và kiên quyết
Phát biểu về CĐS trong du lịch, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Một ngành muốn có sự phát triển đột phá thường phải có không gian mới, cách tiếp cận mới, cách quản trị mới, công nghệ mới để thực hiện đổi mới đó.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: không gian số, cách tiếp cận số, CĐS và quản trị số, công nghệ số chính là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, không gian số, cách tiếp cận số, CĐS và quản trị số, công nghệ số chính là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá. Ngành du lịch nên CĐS mạnh mẽ và kiên quyết, không nên coi CĐS là công cụ tự động hóa hoạt động du lịch mà là thay đổi cách làm du lịch, tạo nên nhiều giá trị mới cho khách du lịch.
Lên môi trường số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, không gian của ngành du lịch sẽ rộng lớn hơn rất nhiều, ngành du lịch sẽ dễ dàng kết nối các lĩnh vực khác, các ngành khác, sản phẩm khác, các tỉnh, vùng khác để khái niệm du lịch được mở rộng. Ví dụ, có thể chuyển đổi từ tư duy điểm đến, quảng bá các địa điểm nổi tiếng thành tư duy sản phẩm, không chỉ xem gì mà còn ăn gì, mua gì, chơi gì… Nếu vậy thì du lịch cũng sẽ bớt phụ thuộc mùa vụ.
Ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp vốn gặp khó khăn trong việc tạo ra hệ sinh thái du lịch, một chuỗi giá trị kết nối khách hàng với phục vụ. Khách hàng du lịch là một, nhưng nhiều đối tượng phục vụ và chỉ cần một đối tượng trong chuỗi giá trị kém thì cảm nhận của khách về du lịch Việt Nam sẽ kém, thậm chí cảm nhận về toàn bộ Việt Nam không tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "CĐS, công nghệ số chính là lời giải trong việc tạo ra một hệ sinh thái du lịch và sự kết nối chuỗi giá trị. Nhà nước nhìn thấy chuỗi giá trị này thì có thể kết nối hài hòa giá trị và tạo ra giá trị cuối cùng để khách hàng có thể cảm nhận chung về du lịch Việt Nam, nếu không thì các giá trị sẽ rời rạc, cạnh tranh nhau".
Khó nhất là Nhà nước nhìn thấy toàn bộ bức tranh, có dữ liệu để phân tích, đánh giá, cảnh báo sớm, điều chỉnh sớm và CĐS sẽ giúp cho ngành du lịch có một bức tranh tổng hợp, có thông tin tổng hợp tức thời.
Còn nhiều vấn đề khác nữa mà CĐS có thể giải quyết, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ VHTT&DL để xây dựng các nền tảng số, giải quyết các vấn đề lớn kéo dài của ngành du lịch và đặc biệt góp phần đổi mới mạnh mẽ ngành du lịch.
Đầu tư vào công nghệ tạo thuận lợi cho xuất nhập cảnh (XNC)
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings đã đưa ra một số đề xuất, trong đó nhấn mạnh Việt Nam vừa qua có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực, đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý XNC, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế là điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Cần nâng cao tỉ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không (Ảnh: VGP)
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết cần nâng cao tỉ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh.
Trước các ý kiến về thủ tục XNC, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết sau khi Luật XNC được Quốc hội ủng hộ thông qua, hiện nay, Bộ Công an đã triển khai chính sách visa, dịch vụ công cấp độ 3, 4 trong lĩnh vực XNC. Tại các cửa khẩu, cảng hàng không, chúng tôi đều lắp và sử dụng cửa tự động rất thuận lợi cho khách du lịch XNC vào Việt Nam và được nhiều đại biểu đánh giá thủ tục thuận lợi, nhanh chóng.
Từ khi Luật XNC có hiệu lực ngày 15/8, có khoảng 5,6 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; so với năm 2022, tăng 1,8 lần. Về mục đích nhập cảnh, trong số người nước ngoài nhập cảnh, 85% lượt nhập cảnh với mục đích du lịch, 15% là với mục đích khác như đầu tư, làm việc, thăm thân, du học…
Về các loại giấy tờ nhập cảnh, 25% nhập cảnh bằng thị thực điện tử, 25% nhập cảnh bằng thị thực và các loại giấy tờ thay thế mới, tức là ngoài thị thực điện tử thì vẫn có giấy tờ khác như thẻ tạm trú, thẻ APEC, hoặc giấy miễn thị thực đơn phương. Về quốc tịch, Hàn Quốc lớn nhất chiếm 27%, Trung Quốc chiếm 20%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7%, Nhật Bản 6%, Hoa Kỳ 5%.
Về khai thị thực điện tử, mỗi ngày, Bộ Công an trung bình trả lời hơn 7.000 thị thực điện tử. Đó là những trường hợp đủ điều kiện và xu hướng sử dụng thị thực điện tử chiếm tỉ lệ ngày càng cao.
Đẩy nhanh CĐS, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam
Phát biểu kết luận Hội nghị, chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Việt Nam đã được xác định trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 là "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Các địa phương cần bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác CĐS trong phát triển du lịch của địa phương mình (Ảnh: VGP)
Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, DN trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện", trong đó tập trung: Thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ rang; Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đẩy nhanh CĐS; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Bộ VHTT&DL tập trung phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL), các nền tảng số kết nối thông tin cho hoạch định chính sách, điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ DN, khách du lịch trong nước, quốc tế; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh.
Các địa phương cần bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác CĐS trong phát triển du lịch của địa phương mình, đồng bộ với nội dung CĐS do Bộ VHTT&DL chủ trì thực hiện./.
Nguồn: ictvietnam.vn